Trường THPT Đồng Phú tổ chức hoạt động trải nghiệm về miền Cây di sản – Tân Hòa, Đồng Phú, Bình Phước
Thực hiện chương trình giáo dục Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp năm học 2023-2024, ngày 27/01/2024 nhà trường phối hợp với Công ty cổ phần Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ B58 tổ chức hoạt động trải nghiệm về miền Cây di sản Việt Nam – Tân Hòa, Đồng Phú cho 196 em học sinh khối 10. Cùng tham gia chuyến trải nghiệm gồm có Ban giám hiệu, Đoàn trường, một số GVCN.
Tham gia chuyến trải nghiệm, học sinh được đi bộ đường rừng gần 4km, cung đường quanh co được bao bọc bởi cây rừng và dây leo, cùng tìm hiểu, khám phá vẻ đẹp thiên nhiên của khu rừng Mã Đà - rừng Chiến khu D, các em được giới thiệu 162 cây di sản, trong đó có cây trên 1100 tuổi và rất nhiều cây gỗ quý.
Theo đó, khu rừng Mã Đà, còn gọi là rừng chiến khu D trước đây do Ban liên lạc Khối tình báo B58 quản lý mà ông Phạm Công Trường là Phó ban thường trực, kiêm Trưởng ban kiểm tra, và bà Nguyễn Thị Hồng Tươi là Trưởng văn phòng đại diện của Ban liên lạc B58 tại tỉnh Bình Phước. Nơi đây vẫn còn giữ được dấu tích của hầm, hào, nhà ở, nhà làm việc, bệnh xá…còn lại từ thời kháng chiến gian khổ năm xưa. Tâm huyết với rừng chiến khu xưa, vợ chồng CCB Phạm Công Trường và Nguyễn Thị Hồng Tươi đã đóng góp công sức bảo vệ rừng và mong muốn biến nơi đây thành một khu du lịch sinh thái, văn hoá, lịch sử. Để có tư cách pháp nhân, năm 2009, ông bà thành lập Công ty TNHH SXTMDV B58 với lực lượng nòng cốt là những thương binh, cựu chiến binh đã nhiều năm gắn bó với cánh rừng này trong suốt những năm tháng chiến tranh.
Khu rừng cổ thụ này không chỉ là chứng tích lịch sử, mà còn là lá phổi xanh của khu vực miền Đông Nam bộ và đang được những người cựu chiến binh bảo vệ nghiêm ngặt, với nguyện vọng là giữ rừng bền vững để phát triển du lịch sinh thái, tôn tạo di tích lịch sử nhằm giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ mai sau.
Ngay đầu bìa rừng, một cây kơ nia cổ thụ hàng trăm tuổi, có gốc to đến hàng chục người ôm được dùng làm nơi tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh cùng các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh vì đất nước. Trong rừng có hàng nghìn cây cổ thụ như bằng lăng, gõ mật, kơ nia, huỳnh đường, da, trường, bình linh… Ngoài ra còn có 54 cây gỗ mật, bằng lăng, kơ nia, chiêu liêu… đã được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường VN công nhận là cây di sản VN từ năm 2014. Đây là niềm tự hào rất lớn, đồng thời càng khiến chúng ta phải có trách nhiệm hơn trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của hệ thống cây di sản này. Đến nay sau gần 10 năm, khu rừng này tiếp tục được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận quần thể 162 cây di sản Việt Nam(Lễ công nhận cây di sản Việt Nam được tổ chức vào ngày 09/12/2023 dưới sự chủ trì của UBND Huyện Đồng Phú cùng Tập đoàn Trường Tươi Bình Phước). 162 cây di sản được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận thuộc 15 loài, gồm 9 cây Bằng lăng, 4 cây Bình linh, 4 cây chiêu liêu, 1 cây gõ đỏ, 1 cây chôm chôm, 1 cây hoàng linh, 2 cây mít rừng, 1 cây lười ươi, 2 cây tung, 1 cây dầu cát, 2 cây chò chai, 1 cây đa, 1 cây xoan đào, 2 cây kháo nhậm và 130 cây Kơ nia.
Ra đến bìa rừng, học sinh được trải nghiệm bữa trưa tự phục vụ, các em tự chặt tre làm nẹp, nhóm củi để nướng gà, nướng thịt phục vụ bữa ăn trưa. Dưới tán cây rừng xanh mát, các em học sinh cùng quây quần sinh hoạt văn hóa văn nghệ. Buổi chiều, các em được tham gia một số trò chơi vận động.
Đây là chuyến trải nghiệm có ý nghĩa thiết thực, bổ ích, giúp học sinh có thêm kiến thức về rừng Mã Đà, về 162 cây di sản. Hoạt động có ý nghĩa giáo dục học sinh về tình yêu quê hương, đất nước, ý thức bảo vệ rừng và cảnh quan thiên nhiên. Đồng thời, giáo dục lý tưởng sống, khát vọng đóng góp công sức vào dựng xây, phát triển quê hương Đồng Phú./.